Một nghệ sĩ kia có tài châm biếm, ông ta nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của người khác và đem ra làm trò cười cho mọi người. Nhưng một giấc mơ bất chợt đã làm thay đổi cách nhìn soi mói của ông.
Đêm kia, ông mơ thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, trên vai ông là một hành trang cồng kềnh và nặng trĩu, nó như muốn đè bẹp cả thân thể ông, ông xoay xở bên này bên nọ, nhưng không thấy nhẹ nhõm chút nào. Sau một lúc cố gắng, ông cảm thấy mệt nhoài và bắt đầu càu nhàu:
- Hành trang này là những thứ gì mà tôi phải vác nó cực khổ thế này?
Nói dứt câu, ông nghe từ xa vọng lại:
- Đó là những khuyết điểm của người khác mà con thường hay nhanh nhẹn bới móc ra. Tại sao con lại than phiền? Không phải con là người đã khám phá ra chúng sao? Chúng phải thuộc quyền sở hữu của con chứ?
Một người kiêu căng khinh dễ kẻ khác khó mà dung dưỡng những ý tưởng tốt đẹp được. Người đó chỉ nhận ra những sai lệch, lầm lỗi của kẻ khác. Như cây cằn cỗi, người đó không thể sinh hoa trái ngon ngọt được. Trái lại, với tâm địa khinh miệt kẻ khác người đó chỉ biết kiếm cách chê bai. Lối cư xử như thế rất phiền lòng người khác. Hơn nữa, người ấy lại làm hại chính mình, vì "gậy ông lại đập lưng ông". Bởi không thấy những gì tốt đẹp nơi tha nhân, đời họ chỉ quanh quẩn với những khó nhọc và bực bội mà thôi. Một văn sĩ đã viết: " Lỗi lầm nặng nhất của người ta là bận tâm đến lỗi lầm của kẻ khác."
Nếu người nghệ sĩ trên đây có cặp mắt yêu thương, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác để khuyến khích, khen ngợi thì chắc hẳn ông cũng được vui lây cái niềm vui hớn hở của kẻ khác.
Trong cuộc sống đời thường, khi ta lầm lỗi điều gì, ta thường tìm đủ mọi cách để bào chữa; nhưng nếu có ai đó sơ suất điều chi thì ta lại mau mắn lên án không thương tiếc. Chính lòng kiêu căng tự mãn, muốn hơn người đã làm mù quáng con mắt chúng ta. Cần phải can đảm thú nhận điều này là chúng ta hay đoán liều cho anh em nhưng lại rất dễ dãi với chính mình.
Tục ngữ Việt Nam có câu:"Yêu nhau mọi sự chẳng nề, Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng!"
Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009
phê bình
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét