Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương đất ấy ra nghênh đón và chúc vua rằng:
- Xin chúc nhà vua sống lâu.
Vua Nghiêu nói:
- Đừng chúc thế!
Viên quan lại chúc:
- Chúc nhà vua giàu có.
Vua Nghiêu lại nói:
- Đừng chúc thế!
Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua:
- Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?
Vua Nghiêu đáp:
- Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối.
Viên quan tâu:
- Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc. Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ? Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì còn công việc gì mà lo? Ăn uống có chừng mực, thức ngủ có điều độ, trong lòng thanh thoả, thiên hạ tài giỏi thì vui cái vui của họ, trăm tuổi nhắm mắt về cõi trời. Một đời chẳng gây tai họa gì, hỏi có gì là nhục?
Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau: Vua Nghiêu vì quá thận trọng chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. Duy chỉ có viên quan địa phưong là có thái độ đúng mực về tiền bạc: Nếu giàu có thì đem chia sẻ cho người thiếu thốn,thì đó là một việc làm khôn ngoan. Hãy dùng của cải đời này mà “làm giàu trước mặt Thượng Đế” .Đó chính là “nghệ thuật làm giàu” đích thực.
Trước mặt Thượng Đế, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không. Chúng ta chỉ thực sự giàu có trước mặt Thượng Đế khi chúng ta dốc cạn kho cho người nghèo khó, mở hầu bao giúp kẻ khốn cùng. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” .
Quả thật, một kho lẫm dù có được khoá chặt đến đâu cũng không ngăn cản được kẻ trộm. Nhưng chỉ có những tài sản đích thực mà không ai có thể đánh cắp, chính là những tài sản thiêng liêng.
Thực ra, khi người giàu chia sẻ của cải cho kẻ nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi. Augier đã nói một câu chí lý: “Trong dự tính của Thượng Đế, người giàu chỉ là viên thủ quĩ của người nghèo”. Vì thế, những ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” chính là những kẻ ăn cắp. Tôma Aquinô quả quyết: “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.
Có thể nói, chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta thu lợi quá mức trên sức lao động của kẻ khác. Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta giữ lại đồ đạc tiện nghi mà chẳng bao giờ dùng đến. Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta ăn chơi, mua sắm như ném tiền qua cửa sổ. Basiliô không một chút ngần ngại nói với chúng ta rằng: “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đói khổ, chiếc áo mà bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi”.
Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009
nghệ thuật làm giàu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét