Chiếc ĐTDĐ bạn đang dùng tự nhiên "dở chứng", màn hình không tuân lệnh bàn phím, chưa kịp nói lời gì thì hết pin,... Thủ phạm có thể là một trong những nguyên nhân sau.
Thời tiết ảnh hưởng đến điện thoại
Thời tiết ẩm ướt vào các mùa như mùa đông, mùa xuân thường dễ ảnh hưởng đến chiếc điện thoại. Một ngày nào đó, bạn giật mình vì không hiểu làm sao mọi hoạt động của điện thoại đều diễn ra bình thường duy chỉ bàn phím không sáng nữa, đèn trên màn hình cũng chỉ sáng mờ. Thế rồi chừng hơn tiếng đồng hồ sau thì đèn bàn phím và màn hình bừng sáng trở lại như không có gì xảy ra. Vài hôm sau tình trạng đấy lại tiếp diễn, rồi đâu lại vào đấy.
Không nên quá lo lắng, đấy có thể do điện thoại đang bị ẩm, ảnh hưởng đến hệ thống ánh sáng điện thoại. Bạn chỉ cần đến các trung tâm bảo hành và vệ sinh máy thì mọi việc sẽ ổn. Điều này cũng nhắc nhở bạn lúc rảng rỗi nên chăm chút vệ sinh máy sạch sẽ.
Điện thoại nắp gập dễ hư màn hình
Đúng là so với các model điện thoại thân đơn, loại vỏ sò có yếu tố nhạy cảm hơn. Màn hình và thân máy nối với nhau bằng nhiều mạch điện in trên chất liệu đàn hồi. Bởi vậy chúng dễ bị lỗi dây nối màn hình nếu người dùng đóng mở điện thoại liên tục trong trường hợp không cần thiết hay do bật nắp rồi dập mạnh một cách đột ngột gây ra rạn cáp nối.
Dấu hiệu nhận biết cáp nối hỏng là không có đèn màn hình hoặc màn hình trắng xoá. Sự cố màn hình rất phức tạp vì để sử dụng lại được thì phải thay mới (giá thành có khi cao bằng một chiếc điện thoại mới). Để tránh lỗi này, bạn hết sức cẩn trọng, không nên táy máy đóng mở máy liên tục, cần có chế độ ổn định cho máy.
Sử dụng không đúng, pin sẽ giảm tuổi thọ
Nhiều khách hàng than phiền không hiểu sao điện thoại của mình lại nhanh hết pin dù dùng không nhiều. Thông thường pin điện thoại sau một thời gian sử dụng sẽ bị suy giảm, chỉ còn khoảng 80% so với ban đầu. Sử dụng càng nhiều, dĩ nhiên sẽ càng hao pin, mức suy giảm này còn xuống thấp hơn, nhất là với các model điện thoại có radio, FM, xem phim… Ngoài ra, sử dụng sai quy cách cũng sẽ dẫn đến việc pin “chết yểu”.
Pin sẽ luôn khoẻ theo thời gian nếu bạn chú ý sạc liên tục theo đúng chỉ tiêu thời gian 12h khi mới mua máy. Canh chừng 3-4h thì ngưng sạc để pin nghỉ ngơi mươi phút rồi sạc tiếp cho đúng thời gian quy định. Để pin không bị chai, hãy dùng hết pin rồi mới sạc tiếp, tránh việc pin chưa hết đã lo nạp dồn cũng như không nên sạc quá lâu hoặc quá mau. Trong quá trình sạc cũng nên tắt máy, không để pin hoạt động ở hai trạng thái vừa nạp vừa phóng điện.
Canh chừng sự tiếp ráp giữa dây sạc và điện thoại, thấy máy nóng thì rút ra rồi cắm lại cho chắc chắn hơn. Nếu muốn tìm mua pin mới, khách hàng nên mua pin có bảo hành tại các Showroom của chính hang. Muốn lấy pin ra, trước hết cần tắt máy, tránh tia lửa điện làm hỏng các cực tiếp xúc của pin.
Khắc phục một số lỗi thông thường
Với Samsung (dòng A, E, X, S) thường thấy nhất là lỗi dịch vụ giới hạn (hàng xách tay, chính hãng đều bị) và Nokia (dòng 1100, 8210, 8250 series 40), Motorola (V60, 66, 70, T720, 720i) là lỗi treo máy và bộ sưu tập (hình ảnh, âm thanh trong gallery) bỗng nhiên biến mất.
Xử lý đơn giản, bạn chỉ việc tắt máy, đợi mươi giây rồi khởi động lại. Thế nhưng lắm khi máy thường xuyên bị lỗi giới hạn (Samsung) và tự nhiên ngắt nguồn (Nokia) thì bạn cần xem lại, có thể máy đã bị lỗi phần mềm. Bạn đến các trung tâm chăm sóc điện thoại chuyên nghiệp để cài đặt lại phần mềm cho tốt hơn.
Riêng trường hợp một số điện thoại bao gồm cả Nokia, Samsung, Sony Ericson, Siemens, Motorola… bỗng dưng bắt sóng rất yếu, lúc có lúc không. Mặc dù cột hiển thị sóng vẫn báo đầy sóng nhưng không sao nghe hoặc thực hiện được cuộc gọi một cách rõ ràng. Lỗi này chủ yếu do máy đã có những va đập mạnh, bị đánh rơi nhiều lần, IC nguồn bị hở. Bạn cũng cần sớm đem điện thoại đi chữa trị bằng cách thay IC nguồn khác.
Quan tâm đến bộ nhớ máy
Không thể phủ nhận nhiều tiện ích có được từ những chương trình phần mềm như từ điển, trò chơi, nghe nhạc… khi cài đặt vào điện thoại. Tuy nhiên, cài đặt quá nhiều sẽ khiến máy chậm khởi động, treo máy dù rằng máy đã được trang bị thẻ nhớ dung lượng cao. Đó là chưa kể, nhiều khách hàng đã tải nhầm chương trình chỉ mang tính chất dùng thử hoặc do các hacker tạo ra, rất có hại cho máy. Kết quả, máy không kích hoạt được vào các mục Themes, menu như bình thường.
Đặc biệt, cần cảnh giác với các mã số bí mật chỉ dẫn để xem phiên bản máy hoặc để format, reset lại máy. Thông thường, format cũng có tác dụng là làm sạch các file rác, chỉnh trang lại bộ nhớ máy. Tuy nhiên, sau khi format, toàn bộ dữ liệu cũ bị mất sạch, lắm khi hệ điều hành bị ảnh hưởng nếu format không đúng.
Vì vậy, khách hàng cần luôn quan tâm đến sức khỏe của bộ nhớ. Chương trình nào cần thiết thì mới cài đặt, cái nào không cần thiết nên xoá bỏ bớt. Cần nên xem xét kỹ lưỡng thông tin phần mềm trước khi cài đặt. Nếu cần format, reset lại máy thì đến các trung tâm có uy tín.
Có nên nâng cấp điện thoại
Điện thoại đời cũ có thể nâng cấp lên đời cao hơn với nhiều tính năng vượt trội là sở thích của nhiều khách hàng. Ví như nâng cấp Samsung E710 từ không thể quay phim thành có thể quay phim được như E715 (cả hai có cơ cấu phần mềm khác nhau, chỉ khác model). Quả thật việc nâng cấp cũng mang lại nhiều lợi ích nhưng có một thực tế mà ít ai biết đến là sau khi nâng cấp, máy sẽ mắc một vài rắc rối khó chịu. Phổ biến nhất là tình trạng sóng chập chờn, rất khó nhận được cuộc gọi đến. Nguyên nhân là mặc dù chúng có phần mềm giống nhau nhưng mỗi máy lại có một thông số kỹ thuật khách nhau nên khó chấp nhận nhau hoàn toàn là lẽ tất yếu.
Hay như trường hợp của Sony Ericsson T610 có thể nâng cấp thành T630. Tuy nhiên, điểm khác biệt của chúng là độ phân giải màn hình nên nếu muốn T610 thành T630 thì chắc chắn phải mua màn hình của T630. Giải pháp không tối ưu vì giá màn hình thường rất đắt. Hơn nữa, nếu chấp nhận mua màn hình thì chiếc máy T610 được nâng cấp cũng khó hoàn hảo như T630 được.
Điện thoại điệu ăn Tết
Các loại dây trang trí, đèn chớp giúp chiếc điện thoại của bạn nổi bật nhưng cũng có thể làm trầy xước vỏ áo ngoài của điện thoại. Hiện tại, nhiều cửa hàng có bán dây đeo chất liệu vải bóng mềm kết hợp với đèn nháy rất thuận tiện (35.000 đồng/dây).
Nokia có thể dễ dàng thay đổi lớp vỏi bên ngoài với giá thành rẻ và nhiều kiểu đẹp. Riêng những loại điện thoại khó đổi vỏ như Samsung, Sony Ericsson, Motorola, LG… thì bạn có thể dung dầu bóng Cana để chùi sạch vết bẩn và làm mới lớp vỏ ngoài. Trường hợp lớp vỏ trầy xước nhiều và xuống màu, bạn có thể đến các trung tâm để thổi dầu (phủ thêm lớp sơn đồng màu để làm mất các vết trầy xước và đánh bóng mới). Nhân dịp này bạn cũng có thể nhờ thợ vệ sinh luôn phần máy bên trong và chiếc camera phía sau thân máy (nếu có). Giá thành làm mới khoảng 80.000-120.000 đồng và được nhiều người chọn vì vẫn giữ được vỏ gốc (nếu bán không bị mất giá).
Cuối cùng, bạn có thể tự hào về chiếc điện thoại không hẳn là mốt nhất nhưng mọi người ai cũng phải ngắm nhìn bởi vẻ đẹp duyên dáng bên ngoài và hoạt động nhanh nhạy, suôn sẻ bên trong.
Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009
Giải quyết các sự cố của điện thoại
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét