Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Hùng vĩ núi lửa phun trào giữa biển

Ngọn núi lửa thuộc đảo quốc Tonga, giữa Thái Bình Dương, phun trào từ ngày 16/3, đẩy khói đen, đất đá và nham thạch lên cao tới 100 mét.














Vẻ đẹp huyền ảo của cầu vồng

Cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng Mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Dưới đây là những ảnh đẹp về cầu vồng ở một số nơi trên thế giới.

Cầu vồng bắc qua đường cao tốc Denali (dài 1.100 km) tại bang Alaska, Mỹ. Người ta chia cầu vồng theo bậc 1,2,3 ... căn cứ vào số lần phản xạ ánh sáng. Cầu vồng bậc 1 chỉ phản xạ một lần nên có độ sáng mạnh nhất.


Nhiều tầng cầu vồng phía trên một khu vực tại Canada. Các hạt nước nhỏ li ti trong không khí khúc xạ (bẻ cong) ánh sáng trắng, tách nó thành các màu: đỏ, da cam, vàng, xanh lục, xanh dương và tím.

Đoạn cuối của một cầu vồng làm nổi bật một chiếc ô tô tại phía bắc nước Mỹ. Do cầu vồng chỉ là một ảo ảnh nên nó không có điểm kết thúc thực sự. Thay vào đó, vị trí của cầu vồng liên tục dịch chuyển theo góc nhìn của chúng ta.

Một cầu vồng phía trên khu bảo tồn Moremi Game thuộc vùng châu thổ Okavango của Botswana. Ở giữa bức ảnh là một cây bao báp lớn.

Giống như cánh cổng dẫn tới vũ trụ, cầu vồng kép này lơ lửng phía trên đường cao tốc Alaska tại British Columbia, Canada. Cầu vồng kép xuất hiện khi ánh sáng bị khúc xạ nhiều hơn một lần.

Các tổ mối trên một đồng cỏ ở Australia nổi bật nhờ một cầu vồng kép

Cầu vồng phía trên một vùng nham thạch đông đặc của núi lửa Ol Doinyo Lengai, Tanzania. Do chúng ta nhìn cầu vồng ở cùng một góc nên chúng có dạng cung tròn.

Cầu vồng xuất hiện sau một cơn bão trên bầu trời bang Pennsylvania, Mỹ. Đây là bang trồng nhiều đậu tương.

Vùng lãnh nguyên của bang Alaska, Mỹ bừng sáng bởi một cầu vồng.

Cầu vồng trên vịnh Foxe của Canada (thuộc Bắc Cực). Các nghiên cứu của nhiều tàu ngầm cho thấy, đọ dày của băng tại Bắc Băng Dương giảm 40% trong 30 năm qua. Băng càng tan nhiều, nước càng dễ hấp thu ánh sáng Mặt trời, từ đó đẩy nhanh tốc độ tan của băng.
(theo National Geographic)

10 hố lớn kỳ lạ nhất thế giới


Đa phần những chiếc hố khổng lồ hình thành trên trái đất do hoạt động khai thác mỏ của con người tạo ra, trong khi đó thiên nhiên cũng hình thành những hố tương tự.




1. Hố gas Darvaza - Turmenistan
Năm 1971, các nhà địa chất phát hiện mỏ khí ngầm ở vùng Darvaza. Trong khi khai thác, một vụ sập đã tạo ra chiếc hố khổng lồ. Để ngăn tình trạng khí độc giải phóng người đã đốt nó và đến nay hố gas Darvaza vẫn tiếp tục cháy, tạo ra cảnh tượng độc nhất vô nhị trên hành tinh.
2. Mỏ kim cương Kimberly - Nam Phi
Mỏ kim cương này còn được gọi là Big Hole được coi là chiếc hố nhân tạo lớn nhất thế giới. Từ năm 1866 đến năm 1914 đã có 50.000 công nhân làm việc tại đây bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc và xẻng, khai thác tổng cộng 2.722 kg kim cương. Công trình này đang được đăng ký trở thành một di sản thế giới.
3. Đập Monticello - California
Con đập nằm ở hạt Napa của bang California (Mỹ) này được biết đến nhiều vì có đập tràn hình tròn khổng lồ.
4. Mỏ Bingham - Utah
Khu mỏ khai thác đồng ở hẻm Bingham thuộc dãy núi Oquirrh, bang Utah (Mỹ) có độ sâu tới 1,2 km và đường kính 4 km. Đây cũng là một trong những hố lớn nhất thế giới do con người tạo ra.
5. Hố xanh khổng lồ - Belize
Hố sụt ngầm dưới nước được mệnh danh là Great Blue Hole này nằm ngoài khơi Belize, thuộc vùng Trung Mỹ, được hình thành như một hang động đá vôi ở cuối thời kỳ băng hà.
6. Mỏ kim cương Mirny - Siberia
Khu mỏ có độ sâu 525 mét và đường kính 1.200 mét này là một trong những nơi khai thác kim cương đầu tiên và lớn nhất của Liên Xô nay đã chấm dứt sứ mệnh. Khi còn hoạt động, phải mất hai tiếng những chiếc xe tải mới có thể đi từ đỉnh mỏ Mirny xuống đáy theo hình xoắn ốc.
7. Mỏ kim cương Diavik - Canada
Khu mỏ này nằm ở vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada bắt đầu hoạt động từ năm 2003, mỗi năm khai thác được 8 triệu carat (tương đương khoảng 1.600 kg) kim cương.
8. Hố sụt Guatemala
Năm 2007, một hố sụt có đường kính gần 100 mét đã nuốt gọn hàng chục ngôi nhà ở Guatemala khiến 2 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải đi sơ tán. Hố sụt này được tạo ra bởi những cơn mưa lớn liên tiếp và một đường chảy nước thải ngầm.
9. Mỏ Udachnaya - Nga
Khu mỏ kim cương lộ thiên Udachnaya của Nga được phát hiện từ năm 1955 và có độ sâu hơn 600 mét. Những người sở hữu khu mỏ này đang có kế hoạch chấm dứt hoạt động của nó vào năm 2010 để chuyển sang khai thác ngầm trong lòng đất.
10. Mỏ Chuquicamata - Chile
Đây là mỏ khai thác đồng lộ thiên có tổng sản lượng khai thác lớn nhất trên thế giới, dù đây không phải là mỏ đứng đầu về quy mô hoạt động. Mỏ có độ sâu hơn 850 mét.
Đình Chính vnexpress(theo Xinhua, Wikipedia)